Lễ hội Ăn mừng lúa mới là một trong những nét đặc trưng văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hàng năm, cứ vào tháng 7 âm lịch, khi những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lại hân hoan mở hội Ăn mừng lúa mới.
Lễ hội Ăn mừng lúa mới là dịp để mọi người trong làng giao lưu, gặp gỡ, chuyện trò. Không khí trong làng vì thế luôn rộn ràng, náo nức.Trong lễ mừng lúa mới, đồng bào còn tổ chức lễ hội đâm trâu để cúng Giàng và thần linh. Sau khi trâu chết, già làng cắt một miếng đuôi trâu cùng với con gà sống tẩm máu trâu rồi ném lên cái ổ trên cột nêu. Nếu lễ vật rơi đúng vào ổ thì xem như Giàng và thần linh chấp nhận lễ hội mừng lúa mới. Những tấm dồ, tấm tút sặc sỡ được phủ lên mình trâu hàm ý chia của cải cho trâu. Gạo nếp, rượu được đổ vào miệng trâu với ý nghĩa cho trâu được ăn no và chiêng trống lại nổi lên để tiễn đưa linh hồn trâu về với thần linh. Xong phần lễ, cả làng tổ chức phần hội. Thịt trâu được xẻ ra, một phần dành cho già làng tiếp khách quý ngay tại nhà gươl, phần còn lại chia đều cho cả làng. Rượu cần, xôi nếp, thịt lợn, thịt gà, trái cây ... được mang ra. Cả làng quây quần ăn uống, tâm tình, bàn chuyện làm ăn. Mọi người cùng nhau múa hát với những làn điệu dân ca, dân vũ vô cùng vui vẻ và đẹp mắt. Điệu múa tung tung zá zá làm cho lễ hội mừng lúa mới càng thêm tưng bừng, hấp dẫn. Cả làng cùng hòa mình trong không khí phấn khởi, vui mừng chào đón một vụ mùa thắng lợi.
Dựa vào những đặc điểm độc đáo của Lễ hội Ăn mừng lúa mới mà đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam tổ chức, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam đã phục dựng lại hoạt động lễ hội ngay trong lòng phố cổ Hội An. Lễ hội Ăn mừng lúa mới được duy trì tổ chức hàng năm, mỗi năm luân phiên tổ chức theo phong tục của một dân tộc. Lễ hội năm nay được nhà trường tổ chức theo phong tục đồng bào dân tộc Cơ tu.
Lễ hội diễn ra từ 7h00 đến 18h00 ngày thứ Bảy - 29/10/2011: Từ 7h00 đến 11h00 các lớp tham gia thi chế biến ẩm thực dân tộc, từ 14h00 đến 18h00 tổ chức Lễ hội toàn trường tại nhà Đa năng. Đại biểu lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, Ban dại diện cha mẹ học sinh, Ban liên lạc cựu học sinh đã về tham dự, cùng chung niềm vui ngày Hội mừng lúa mới với toàn thể cán bộ viên chức và học sinh nhà trường.
![](/Portals/0/TinTucSuKien/amlm1.jpg)
Quang cảnh Lễ hội ăn mừng lúa mới
Các hoạt động của lễ hội diễn ra vô cùng sôi nổi và hào hứng. Trước hết là phần thi chế biến ẩm thực dân tộc do học sinh của các lớp tham gia. Các em thi nhau làm bánh sừng trâu, cơm lam và thịt nướng ống.
Học sinh tham gia thi chế biến ẩm thực dân tộc tại Lễ hội
Sau hai giờ đồng hồ miệt mài, chăm chỉ, khéo léo, các lớp đã thu được thành quả của mình. Các sản phẩm của núi rừng được làm qua bàn tay của các em học sinh khiến cho Ban giám khảo cũng phải ngỡ ngàng. Những chiếc bánh sừng trâu đẹp đẽ, xinh xắn, những ống cơm lam dẻo thơm, hấp dẫn và hương vị thịt nướng lan tỏa khắp sân trường. Kết quả thật bất ngờ, các em học sinh lớp 10 "ẵm" luôn sáu giải, nhường cho anh chị lớp 11 một giải và lớp 12 ba giải (Gói bánh sừng trâu: giải nhất 11/4, giải nhì 12/5, giải ba 10/2, giải khuyến khích 10/4, 12/1; Nướng cơm lam: giải nhất 10/1, giải nhì 10/4, giải ba 10/5, giải khuyến khích 12/4, 10/3).
Sản phẩm do các lớp dự thi chế biến ẩm thực dân tộc
Sau phần thi chế biến ẩm thực dân tộc là phần lễ hội được tổ chức tại nhà Đa năng. Mở đầu lễ hội, thầy Trần Minh Hiệu, Hiệu trưởng nhà trường đọc lời khai mạc.
Thầy HT Trần Minh Hiệu khai mạc Lễ hội
Tiếp theo, các em học sinh đã tái hiện lễ cúng mừng lúa mới và tham gia múa cồng chiêng cùng các điệu dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam. Lễ cúng mừng lúa mới được xây dựng theo phong tục của người Cơtu. Không khí tưng bừng, nhộn nhịp tràn đầy tình thân ái khi các em học sinh mời đại biểu và cán bộ viên chức nhà trường cùng tham gia múa cộng đồng quanh cây nêu.
Lễ cúng vừa xong, quý vị đại biểu cùng cán bộ viên chức và học sinh toàn trường thưởng thức phần ẩm thực và giao lưu văn nghệ. Các tiết mục đơn ca, song ca do các em học sinh nhà trường trình bày là những bài dân ca, những điệu hát lý mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội kết thúc trong tiếng cồng chiêng rộn ràng và để lại dư âm đẹp trong mỗi học sinh về ngày hội được mùa của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam.
|
![](/Portals/0/TinTucSuKien/amlm12.jpg) |
Lễ hội Ăn mừng lúa mới là một hoạt động tinh thần có ý nghĩa thiết thực, tạo mối quan hệ giao lưu, gắn bó, đoàn kết giữa học sinh các dân tộc trong tỉnh, giữa học sinh và cán bộ viên chức nhà trường. Đó còn là nét đẹp về truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mà các em học sinh cần có ý thức giữ gìn và phát huy. Những hoạt động trong lễ hội, những lời ca, điệu múa, những món ăn dân dã ... đã phần nào làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ bản làng của các em; các em ngày càng gắn bó hơn với mái trường Dân tộc nội trú thân yêu. Lễ hội cũng đã giúp các em thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, để mỗi ngày các em đến trường thực sự là một ngày vui.
Vương Thị Kim Quang
Trường PT Dân tộc nội trú Quảng Nam