1) Các trường chủ động đưa ra một số quy định phù hợp với đặc điểm của trường;
Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy hiện hành, năm 2016 các trường được chủ động đưa ra một số quy định trong tuyển sinh (năm 2015, Bộ GDĐH đưa ra quy định thống nhất trong toàn quốc). Điều này phù hợp với xu hướng mở rộng quyền tự chủ cho các trường, tuy nhiên sẽ có các quy định khác nhau ở các trường. Vì vậy, để không xảy ra các nhầm lẫn đáng tiếc do không nắm vững quy định của trường, thí sinh cần đọc kỹ thông tin tuyển sinh của các trường (có trên trang thông tin điện tử của trường). Các nội dung trường được chủ động quy định là:
a) Ngoài hai phương thức đăng ký xét tuyển (qua đường bưu điện, trực tuyến), các trường có thể quy định thêm phương thức ĐKXT phù hợp với đặc điểm của trường nhưng không gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh và bức xúc xã hội. Như vậy năm 2016, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào các trường qua đường Bưu điện hoặc sử dụng phương thức trực tuyến, còn việc đăng ký trực tiếp tại trường tùy thuộc vào trường đó có công bố phương thức đăng ký này không.
b) Năm 2015, phương thức xét tuyển giữa 4 nguyện vọng trong Phiếu ĐKXT của thí sinh là bình đẳng được áp dụng cho tất cả các trường; năm 2016, các trường tự quy định phương thức xét tuyển giữa 2 nguyện vọng trong Phiếu ĐKXT của thí sinh. Trong thực tế sẽ có các phương án khác nhau, tùy theo quy định của từng trường như sau:
- Xét 2 nguyện vọng là bình đẳng (nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được tự động xét nguyện vọng 2 bình đẳng với các thí sinh khác);
- Thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 sẽ dược ưu tiên so với thí sinh đăng ký ngành đó ở nguyện vọng 2 (chẳng hạn phải có kết quả thi cao hơn thí sinh có nguyện vọng 1 là 0,5 điểm);
- Trường sẽ xét hết thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 sau đó còn chỉ tiêu với xét thí sinh đăng ký nguyện vọng 2...
c) Năm 2015, điểm trúng tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Năm 2016, các trường quyết định điểm trúng tuyển phù hợp với tình hình thực tế của công tác xét tuyển. Các thí sinh cần hết sức lưu ý quy định này để đưa ra quyết định phù hợp, tránh tình trạng "đứng núi này, trong núi nọ" dẫn đến không trúng tuyển trường nào.
2) Một số điều chỉnh trong chế độ ưu tiên tuyển sinh;
a) Đối tượng ưu tiên 01: bổ sung điều kiện có hộ khẩu thường trú tại xã KV1 trên 18 tháng;
b) Khu vực 2 (KV2): Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1)
c) Quy định hưởng chế độ ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú: Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã đặc biệt khó khăn nếu học THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã (Thành phố trực thuộc tỉnh) có ít nhất một trong các xã đặc biệt khó khăn.
Những điều chỉnh này đã được cập nhật trong cơ sở dữ liệu thi THPT quốc gia và Bộ GDĐT đã chuyển toàn bộ dữ liệu về chế độ ưu tiên cho các sở, các trường (trong đó cung cấp đầy đủ danh sách xã đặc biệt khó khăn và xã KV1). Tuy nhiên thí sinh cần nắm vững vấn đề này để tự xác định chế độ ưu tiên cho mình và cung cấp đầy đủ minh chứng cho trường ĐH, CĐ khi nhập học; cán bộ làm việc tại các điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển trực tuyến cần nắm vững vấn đề này để tư vấn cho thí sinh; các trường ĐH, CĐ phải nắm vững các thay đổi này để rà soát hồ sơ nhập học của thí sinh cũng như rà soát minh chứng khi thí sinh có nguyện vọng điều chỉnh chế độ ưu tiên trong tuyển sinh.
3) Thay đổi quy định trong xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia;
a) Sau khi có kết quả thi, thí sinh được trường ĐH chủ trì cụm thi cấp 01 Giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh không sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) mà chỉ nộp vào trường nhập học. Trường hợp thí sinh bị mất Giấy chứng nhận kết quả thi, cần liên hệ với Trường đại học chủ trì cụm thi làm đơn xin trường xác nhận. Trường sẽ cấp cho thí sinh 01 Giấy chứng nhận kết quả thi "được cấp lại" (có dấu đỏ của trường và được ghi là "bản cấp lại"). Khi được cấp giấy này, bản chính sẽ không còn giá trị và hệ thốngquản lý dữ liệu tuyển sinh Quốc gia sẽ thông báo cho trường thí sinh đăng ký xét tuyển để trường biết và chỉ nhận Giấy chứng nhận kết quả thi được cấp lại.
b) Để đăng ký xét tuyển thí sinh điền thông tin vào phiếu ĐKXT và nộp cho trường qua đường bưu điện, trực tuyến hoặc phương thức khác do trường quy định;
c) Đợt 1, thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; các đợt bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa 3 trường mỗi trường tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.
Điều quan trọng mà thí sinh cần lưu ý là: trong mỗi đợt xét tuyển thí sinh không được thay đổi nguyện vọng.
d) Thời gian của mỗi đợt xét tuyển ngắn hơn so với 2015: đợt 1 kéo dài 12 ngày, đợt bổ sung kéo dài 10 ngày;
đ) Ở mỗi đợt xét tuyển, chậm nhất 02 ngày sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển (nếu nộp bằng đường Bưu điện, thời gian được xác định theo dấu Bưu điện), thí sinh phải xác nhận việc học tại trường bằng cách nộp cho trường bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi, coi như không có nguyện vọng học và sẽ không được gọi nhập học. Thí sinh cần lưu ý: kể cả thí sinh chỉ trúng tuyển 1 trường cũng phải xác nhận việc nhập học tại trường.
4) Xét tuyển ở các nhóm trường
Năm 2016 có thêm phương thức xét tuyển theo nhóm trường. Hiện nay đã có 2 nhóm trường có đề án: nhóm trường do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì và nhóm trường do Đại học Đà Nẵng chủ trì:
- Thí sinh đăng ký vào nhóm trường chỉ được đăng ký tối đa 4 ngành ở đợt 1 và 6 ngành ở các đợt bổ sung. Nếu đăng ký từ 2 trường trong nhóm trở lên sẽ không được phép đăng ký thêm trường ngoài nhóm;
- Thí sinh đăng ký vào nhóm trường phải điền vào Phiếu ĐKXT của nhóm. Điểm khác biệt của Phiếu ĐKXT vào nhóm trường là:
+ Phải đăng ký tất cả các ngành (của các trường trong nhóm) trong 1 phiếu và xếp thứ tự từ 1 đến tối đa 4 (hoặc 1- tối đa 6 trong các đợt bổ sung). Trong mỗi ngành phải điền mã trường cùng mã ngành (nhóm ngành); Nhóm GX và nhóm Đại học Đà Nẵng quy định: mỗi trường trong nhóm thí sinh chỉ được đăng ký tối đa 2 ngành (nhóm ngành).
+ Thí sinh nộp ĐKXT và phí dự tuyển bằng đường bưu điện hoặc tại trường cho trường có nguyện vọng 1 (nhóm GX) và gửi bằng đường bưu điện cho Đại học Đà Nẵng (nhóm ĐH Đà Nẵng). Việc đăng ký trực tuyến sẽ theo quy định chung.
Cụ thể, thí sinh cần tìm hiểu phương thức xét tuyển theo nhóm trường (đăng tải trên trang thông tin điện tử của các trường trong nhóm) để có thể tận dụng các ưu điểm của việc xét tuyển theo nhóm trường.
5) Xét tuyển vào các trường quân đội và công an
a) Các trường quân đội và công an đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Cũng như những năm trước, các trường này đều yêu cầu sơ tuyển và mỗi ngành có yêu cầu sơ tuyển riêng, do vậy sau khi đạt yêu cầu ở vòng sơ tuyển, thí sinh không được thay đổi ngành cũng như trong mỗi trường chỉ đăng ký được 1 ngành.
b) Một số điểm mới trong xét tuyển vào các ngành công an, quân đội mà thí sính cần lưu ý:
- Năm 2016 chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các trường Công an đều giảm do vậy nhiều khả năng điểm trúng tuyển vào các trường này sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với thí sinh nữ;
- Năm 2016, đối với các trường quân đội có vùng tuyển trong cả nước, Bộ Quốc phòng quy định chỉ tiêu riêng cho thí sinh miền Bắc (từ Quảng Bình trở ra) và cho thí sinh miền Nam (từ Quảng Trị trở vào).
c) Do năm 2016, đợt 1 thí sinh được quyền đăng ký tối đa 2 trường, do vậy thí sinh có thể đăng ký vào 1 trường quân đội (hoặc công an) và một trường khác.
6) Điều chỉnh quy định làm tròn điểm thi và điểm xét tuyển
Sự khác nhau về quy định làm tròn điểm thi và điểm xét tuyển được so sánh trong bảng sau:
Năm 2015
|
Năm 2016
|
• Điểm các môn tự luận: tính đến 0,25;
• Điểm các môn trắc nghiệm: làm tròn đến 0,25;
• Điểm môn ngoại ngữ: làm tròn đến 0,25;
• Điểm xét tuyển: không làm tròn.
|
• Điểm các môn tự luận: tính đến 0,25;
• Điểm các môn trắc nghiệm: làm tròn đến hai chữ số thập phân;
• Điểm môn ngoại ngữ: làm tròn đến hai chữ số thập phân;
• Điểm xét tuyển: làm tròn đến 0,25 (sau khi cộng điểm ưu tiên quy đổi)
|
7) Điều chỉnh quy định về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
a) Từ năm 2015, Bộ GDĐT đã điều chỉnh quy định về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo hướng mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng trong việc xét tuyển thẳng. Những thay đổi này tiếp tục được duy trì trong quy định về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển năm 2016, cụ thể:
- Ngoài danh mục các ngành đúng, ngành gần ứng với mỗi môn thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia do Bộ GDĐT quy định, các trường có thể bổ sung thêm các ngành đúng và ngành gần đối với từng môn thi HSG quốc gia phù hợp với yêu cầu đầu vào các ngành đào tạo của trường;
- Các trường cũng có thể không tuyển thẳng vào một số ngành đúng, ngành gần đã được quy định. Tuy nhiên, các trường phải báo cáo Bộ GDĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
- Căn cứ vào quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, các trường công bố công khai tiêu chí, quy trình xét và xếp ngành học tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của trường trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin thi tuyển sinh của Bộ GDĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Căn cứ vào tình hình cụ thể của công tác tuyển sinh, các trường xác định chỉ tiêu tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo từng ngành hoặc chung cho tất cả các ngành, đảm bảo tổng chỉ tiêu không thấp hơn số lượng thí sinh tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào trường năm 2015.
b) Trong năm 2016, có một số điều chỉnh so với năm 2015 liên quan đến tuyển thẳng, cụ thể:
- Thí sinh được phép đăng ký tuyển thẳng vào nhiều nhất 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành (nếu có);
- Thí sinh đăng ký tuyển thẳng tại sở giáo dục và đào tạo từ ngày 20/4 đến hết ngày 20/5
- Các trường đại học công bố danh sách tuyển thẳng trước ngày 5 tháng 8 năm 2016
- Thí sinh cần xác nhận việc học tại trường bằng cách nộp bản chính các chứng chỉ tương ứng với chế độ tuyển thẳng trước ngày 10/8/2016 (tính theo dấu bưu điện) cho trường nhập học.
Như vậy với việc cho phép các trường quy định chỉ tiêu tuyển thẳng, một số ngành có nhiều thí sinh đăng ký tuyển thẳng sẽ phải xét từ trên xuống dưới. Chính vì vậy thí sinh cần có lựa chọn hợp lý giữa 2 trường và 2 ngành trong trường để chọn được trường, ngành theo nguyện vọng. Đồng thời, thí sinh cũng không được quên việc xác nhận nhập học tại trường mình đã được tuyển thẳng.
8) Một số vấn đề khác
a) Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ cao đẳng là: tốt nghiệp THPT;
b) Đối với các trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành (sau đây gọi chung là ngành), các trường xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh;
c) Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.