Bác đã dành tình thương yêu đối với thương binh liệt sĩ bằng những việc làm rất cảm động. Tại buổi lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 17-11-1946, Người đã cởi chiếc áo ấm của mình đang mặc để tặng cho binh sĩ. Ngay trong ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên (27-7-1947), Bác gửi tặng thương binh một chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ đã biếu Bác, một tháng lương của Bác, một bữa ăn của Bác và của các nhân viên Phủ Chủ tịch, cộng lại là 1.127 đồng (tiền cũ dùng thời kháng chiến chống Pháp). Từ đó đến năm 1954, mỗi lần đến ngày thương binh liệt sĩ, Bác đều gửi quần áo, một tháng lương của Bác để tặng các thương binh và gia đình liệt sĩ.
Hay tin con của Bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến, Bác viết thư chia đau thương với gia đình bác sĩ Tụng: “Tôi được báo cáo rằng: Con của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất đi một đoạn ruột. Những cháu và anh chị em khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên họ...”.
Bác sĩ Vũ Đình Tụng kể lại rằng khi đọc xong bức thư của Bác, ông vô cùng xúc động. Trong lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ bận trăm nghìn việc đại sự, thế mà Bác vẫn nghĩ đến một gia đình bé nhỏ có tang đau lòng. Rồi ông tự nhiên thấy sự hy sinh và đau lòng của gia đình ông trở thành nhỏ bé trong tình thương mênh mông và sự hy sinh to lớn của dân tộc, của Bác Hồ.
Nguyễn Trản, tức Vương Nhị Chi, người bị mất hai tay từ hôm thử vũ khí năm 1947 lúc phụ trách xưởng quân giới thô sơ tại Nam bộ, kể lại rằng khi tập kết ra Bắc, ông nhận nhiệm vụ ở Bộ Công nghiệp nặng. Nhân dịp Quốc khánh 2-9-1955, ông được mời dự buổi chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch. Ông đi bộ một mình đến sớm, chỉ thấy lác đác một số cán bộ chưa quen biết. Trong lúc chờ đợi, ông hỏi thăm lối tới phòng vệ sinh. Bước vào phòng vệ sinh một mình, ông loay hoay chưa biết tính sao thì bỗng nghe tiếng nói nhẹ nhàng từ phía sau lưng mình: “Chú làm sao cởi được khuy?”. Ông lúng túng không biết trả lời thế nào cho tiện, thì Bác Hồ đã bước tới cởi khuy giúp. Rồi Bác đứng tránh sang một bên, chờ xong, Bác lại đến cài khuy giùm. Bác và ông cùng đi về phòng lễ tân; Bác trách các cán bộ đón tiếp đại biểu: “Người ta mất cả hai cánh tay, mà không ai đi theo giúp đỡ...”.
Tháng 5-1968, khi xem lại Di chúc đã viết từ ngày 15-5-1965, Bác bổ sung thêm mấy điểm, trong đó có đoạn:
“Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, chiến sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Tấm lòng, tình thương yêu của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ bao la và thiết thực như thế đó
BVK (117 Chuyện kể về Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – NXB CTQG)