Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo và đông anh em ở một xã miền núi cao Chà Vàl, Nam Giang. Tài sản có giá trị nhất của gia đình tôi lúc bấy giờ có lẽ là chiếc Radio. Từ nhỏ, tôi mê nghe đài. Mặc dù, tôi chưa hiểu nhiều tiếng phổ thông nhưng đài mang lại cho tôi nhiều niềm vui. Tôi mơ ước được một ngày nào đó, tôi có thể “chui” trong cái đài để nói cho ba mẹ và mọi người nghe.
Một lần, tôi thỏ thẻ với cô giáo: Cô ơi, làm sao mà mình có thể chui vào cái đài này để nói cho tất cả mọi người cùng nghe? Cô giáo nhìn tôi ngạc nhiên, rồi bảo: Em muốn chui vào được vào cái đài chỉ có cách là cố gắng học, học thật giỏi để xuống Hội An học như chú Ngân (lúc bấy giờ đang làm y sĩ), như anh Sơn (đang đi học Đại học Biên phòng) đó! Tôi nghe mà thích thú vô cùng và ra sức học tập để thực hiện được ước mơ đó.
Bằng sự cố gắng và nỗ lực, cuối năm lớp 9, tôi đứng vị thứ 3 trong danh sách được tuyển vào ngôi trường PTDTNT tỉnh. Tôi vui quá! Tôi đã khóc. Thế là ước mơ của tôi sắp thành hiện thực. Từ ngày biết được kết quả đến ngày chính thức là học sinh mới của trường, đó là một quãng thời gian rất dài đối với tôi. Ngày nào tôi cũng mong thời gian trôi thật nhanh để đến ngày nhập trường.
Và rồi ngày ấy cũng đã đến. Xen lẫn trong niềm vui ngày đầu tiên nhập học là nỗi sợ bị lạc lõng và cô đơn. Một cuộc sống tự lập, xa cha mẹ, xa người thân đối với một học sinh đầu cấp như tôi chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cũng như bao bạn học sinh khác rất cần sự thấu hiểu về tâm tư tình cảm, sự chia sẻ, sự động viên. Và tôi đã tìm thấy tất cả những điều đó khi sống dưới mái nhà chung nội trú này. Đặc biệt, cô giáo chủ nhiệm tôi (cô Lê Thị Bích Thủy) đã gần gũi, đồng cảm, chia sẻ, tạo cho tôi một chỗ dựa tinh thần. Điều đó đã tiếp thêm động lực và sức mạnh để tôi vượt qua mọi khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Suốt 3 năm học tập và rèn luyện dưới mái nhà chung nội trú thân thương, tôi trưởng thành lên rất nhiều. Ước mơ của tôi cứ lớn dần theo năm tháng. Nhưng không còn ngây ngô là được chui vào đài nữa mà tôi đang theo đuổi một ước mơ đúng nghĩa hơn - Ước mơ được làm đại sứ văn hóa Cơ Tu. Tôi đã nhận thức rằng, mình cần có trách nhiệm với cộng đồng dân tộc Cơ Tu. Tôi cần phải làm gì đó để các dân tộc anh em khác biết đến dân tộc Cơ Tu nhiều hơn. May mắn hơn, cô giáo chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy môn Văn của tôi suốt 3 năm học là một giáo viên trẻ nhưng rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Cô đã khơi dậy trong tôi niềm tự hào dân tộc và chắp thêm cho tôi đôi cánh để tôi bay tới ước mơ.
Cuối năm học lớp 12, tôi mạnh dạn đăng ký thi vào ngành Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Cô Nguyễn Thị Sự, Giáo vụ trường, hỏi tôi với sự băn khoăn lo lắng: Sao em lại đăng ký vào trường mà tỷ lệ chọi cao, tỉ lệ đậu rất thấp. Em có ai ở ngoài đó sao? Tôi ngượng ngùng đáp lại Thưa cô, chỉ vì em yêu văn hoá Cơ Tu, yêu văn hoá các dân tộc anh em… Tôi không phải học sinh giỏi bẩm sinh, nhưng tôi luôn cố gắng vì cái “Đài” lớn hơn. Tôi muốn mang văn hoá Cơ Tu đến với bạn bè khắp cả nước, xa hơn là quốc tế.
Cái thoi thời gian cứ thế trôi đi, tôi đã là sinh viên của trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi nhận công tác theo đúng sở trường, sở thích và chuyên môn của mình - Phát thanh viên kiêm biên tập viên Chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Qua 6 năm công tác, thông qua Chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và trên trang điện tử VOV4 của Đài TNVN, tôi cảm thấy rất tự hào vì tôi đã mang những thông tin thiết thực, bổ ích tới với đồng bào Cơ Tu; đồng thời, được giới thiệu với các dân tộc anh em khác về những phong tục, tập quán hay và độc đáo của người Cơ Tu.
Thật may mắn! Đến bây giờ tôi vẫn thường hay nói vậy. Tôi có được như hôm nay, không chỉ là sự nỗ lực của bản thân mà hơn hết cô giáo chủ nhiệm của tôi suốt ba năm phổ thông nói riêng và các thầy cô giáo Trường PTDTNT tỉnh nói chung đã tạo cho tôi cái bàn đạp để tôi có thể biến ước mơ được “chui vào cái đài”- làm phát thanh viên - của thời thơ bé. Ứớc mơ được "làm đại sứ văn hóa Cơ Tu" - một diễn viên múa, nghệ sĩ diễn xướng văn hoá dân gian - của tôi đã trở thành hiện thực.
Dù đi đâu, làm gì, tôi vẫn luôn tự hào mình là học sinh Trường PTDTNT tỉnh Quảng Nam như tự hào rằng mình là người con của dân tộc Cơ Tu vậy!