Cách đây 25 năm (1985), có một ngôi trường khá đặc biệt được thành lập tại Hội An mà học sinh (HS) là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS): Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nay là trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam.
|
Quang cảnh trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam.
|
Vượt qua gian khó
Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của trường, Hiệu trưởng Trần Minh Hiệu - người gắn bó với ngôi trường ngay từ buổi đầu thành lập - nhớ lại: “Bây giờ dấu vết của trường cũ gần như không còn nữa; hồi ấy trường chỉ là một dãy phòng cấp 4 cũ kỹ, vốn là dãy nhà nội trú của trường Bổ túc Văn hóa công nông cấp 3 của tỉnh nhường lại. Dãy phòng ấy là nơi học tập, cũng dùng làm chỗ ở của HS nên khó khăn, thiếu thốn trăm bề”. Với nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ người DTTS cho tỉnh, năm học đầu tiên, nhà trường tuyển 200 HS. Chất lượng đầu vào thấp nên việc giảng dạy đã khó, chuyện chăm lo cho các em ăn uống, ngủ nghỉ và sinh hoạt trong thời gian này càng khó khăn hơn. Bởi, hầu hết chưa quen với cuộc sống nội trú tập thể ở phố, các em lại thường xuyên bị đau ốm do thay đổi môi trường sống. Có ngày, hơn một nửa HS phải nhập viện, đến nỗi Bệnh viện Hội An thời ấy phải lập các phòng điều trị nội trú ngay tại trường. Rồi chuyện uống rượu, đánh nhau xảy ra khá nhiều. “Vì vậy, tất cả phải trông chờ vào sự tậm tâm tận lực của người thầy. Với sự đặc thù của nhà trường, chúng tôi đưa ra khẩu hiệu: Người giảng dạy cũng là người phục vụ, người phục vụ cũng là thực hiện nhiệm vụ giáo dục” - thầy Hiệu chia sẻ. Dần dần, những khốn khó ban đầu ấy cũng nhanh chóng trôi qua, nhường chỗ cho những khát vọng vươn lên ...
Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam đã đào tạo 2.078 HS, tạo nguồn cán bộ người DTTS cho miền núi, trong đó có 1.764 em tiếp tục được đào tạo hoặc ra trường trở về phục vụ tại quê hương. Hiện tại, 1.234 HS của trường đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, cán bộ trẻ tham gia công tác tại địa phương, 530 em đang theo học đại học, cao đẳng.
|
Trong vòng 15 năm trở lại đây, nhà trường đã khẳng định được vai trò của một trung tâm tạo nguồn cán bộ DTTS của tỉnh bằng những bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Trước hết, đó là việc phát triển quy mô và duy trì sĩ số, bởi đây là nhiệm vụ rất quan trọng, thậm chí được coi là “sống còn”. Nhiều năm trước đây, vì những nguyên nhân như “nhớ nhà”, “không thích học” hay “cưới vợ - cưới chồng”, không ít HS bỏ ngang việc học trở về bản làng. Rất khó để thuyết phục các em tiếp tục theo học dù cho thầy giáo, cô giáo phải lặn lội đến tận gia đình vận động. Bởi vậy, thời gian đầu dẫu duy trì sĩ số chỉ có 81% nhưng đã được coi là thành công ngoài mong đợi của nhà trường. Những năm gần đây, tỉ lệ duy trì sĩ số luôn trên 98%, riêng năm học 2009 - 2010 đạt 99,2%. Từ 200 HS (cả cấp THCS và THPT) những năm đầu mới thành lập, hiện nay quy mô của trường ổn định với 450 HS THPT.
Khẳng định khát vọng
Một trong những khó khăn lớn nhất mà bất cứ trường DTNT nào cũng phải đối mặt, đó là chất lượng đầu vào quá thấp (có năm khảo sát chất lượng có hơn 90% HS dưới điểm trung bình). Yếu về văn hóa đã đành, nhiều em thiếu cả thái độ, động cơ học tập, lại còn bỡ ngỡ với cuộc sống xa gia đình, lạ thói quen sinh hoạt. Do đó, vừa truyền đạt kiến thức, nhà trường phải vừa giúp các em có thái độ học tập tốt, nếp sống văn minh, lành mạnh. Điều này càng đòi hỏi những người thầy ở đây, ngoài năng lực chuyên môn còn phải có tấm lòng nhiệt tình, say mê nghề nghiệp, bởi “người thầy cũng là cha mẹ, vừa dạy chữ, vừa dạy làm người, đồng thời “phục vụ” cho các em”. Ngoài thời gian, kế hoạch theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhà trường còn tăng cường phụ đạo, củng cố kiến thức vào các buổi, ngày nghỉ trong tuần và dịp hè. Nhờ đó mà chất lượng giáo dục ngày một tăng với tỷ lệ HS xếp loại học tập trung bình trở lên từ 61% những năm đầu lên hơn 80% trong 5 năm qua (riêng năm học 2009 - 2010 có gần 85%). Kết quả tốt nghiệp, đỗ đại học, cao đẳng cũng có nhiều chuyển biến. Nếu năm 1989, khi nhà trường được Sở GD-ĐT tặng giấy khen về kết quả tốt nghiệp đạt 50% thì kết quả năm học 2009 - 2010 là gần 94,3%; đỗ đại học, cao đẳng 24,6% (có 1 em đỗ thủ khoa đại học).
|
Không những duy trì sĩ số, chất lượng giáo dục của trường nay đã được nâng cao rất nhiều.
|
Bên cạnh việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất của trường cũng được đầu tư xây dựng khá khang trang. Địa chỉ 39 Nguyễn Tất Thành - Hội An (trước đây là 49 Lê Hồng Phong) trong 25 năm qua đã trở nên quá quen thuộc với biết bao thế hệ HS. Dấu tích của ngôi trường cũ giờ đây không còn nữa, thay vào đó là những dãy nhà tầng khang trang, những phòng học đầy đủ tiện nghi như phòng vi tính, nhạc cụ dân tộc, phòng lab, thư viện đạt chuẩn, khu tập thể hai tầng khép kín đáp ứng nhu cầu cho tất cả HS ăn ở nội trú. Đội ngũ cán bộ, giáo viên giờ cũng đã tăng lên gấp hơn 2 lần với 70 người. Trình độ, năng lực cũng cao hơn trước khi tất cả đều đã đạt chuẩn, trong đó nhiều người có trình độ trên chuẩn. Từ một chi bộ có 12 đảng viên, đến nay, trường đã thành lập đảng bộ với 30 đảng viên sinh hoạt ở 3 chi bộ.
Đổi thay mạnh mẽ và đạt được nhiều thành công nhưng vẫn chưa làm mãn nguyện đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường. Chứng kiến những bước đi chập chững từ ngày đầu thành lập cho đến bây giờ, thầy Hiệu cho rằng còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới như tăng chất lượng đầu vào để nâng cao chất lượng đầu ra, có chính sách cho HS theo học đại học, cao đẳng (qua thi tuyển). Là ngôi trường đặc biệt với nhiều khó khăn cũng khá đặc biệt, nhưng bằng nỗ lực của mình, 25 năm qua, trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam đã vươn lên đạt nhiều thành tích trong công tác dạy và học, xứng đáng là trung tâm đào tạo nguồn cán bộ người DTTS của tỉnh. Trong ngày vui kỷ niệm 25 năm thành lập (diễn ra vào ngày mai 25-12), thầy và trò nhà trường còn đón nhận thêm một phần thưởng rất ý nghĩa: Huân chương Lao động hạng Nhất. Thầy Trần Minh Hiệu - người hiệu trưởng gắn bó 25 năm với trường - được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trương Xuân Phú
Nguồn : Báo Quảng Nam