Một ngôi trường bề thế khang trang như bao ngôi trường Trung học phổ thông khác thuộc chương trình “tầng hóa”, “kiên cố hóa” và ở trung tâm một đô thị cổ nhưng đã được coi là tổ ấm, là cội nguồn của biết bao thế hệ con em đồng bào dân tộc thiểu số, đó là Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Quảng Nam. Hai mươi lăm năm - một phần tư thế kỷ, mốc thời gian không phải là dài, nhưng ngôi trường ấy đã làm nên biết bao điều kỳ diệu.
Những ai đã từng sinh sống ở Hội An vào thời điểm những năm một chín tám mươi hẳn chứng kiến biết bao nhiêu khó khăn của ngành GD, nằm trong khó khăn chung của đất nước sau chiến tranh và trong cơ chế bao cấp. Trong bối cảnh ấy, sự ra đời của một ngôi trường để dạy cho con em đồng bào miền núi lại càng gian khó hơn. Trước đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội miền núi, như tinh thần của Nghị quyết 25-NQ/TU mà Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ban hành: “Vai trò của ngành GD đối với miền núi là hết sức quan trọng”, Trường Dân tộc Nội trú của Tỉnh đã ra đời vào ngày 22/12/1985 – ngày Lễ thành lập Trường và khai giảng năm học đầu tiên, trong niềm phấn khởi của bao người ở Quảng Nam ngày ấy.
Trong buổi đầu thành lập, nhà trường đứng trước vô vàn khó khăn, thiếu thốn: CSVC tiếp quản từ cơ sở nội trú của Trường BTVH Công Nông cấp 3 Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Nhà cửa xuống cấp, không có lớp học, xưởng trường; đội ngũ CBGV được tiếp nhận từ nhiều nguồn, phần lớn chưa có kinh nghiệm GD HS dân tộc thiểu số. HS các dân tộc vùng cao, xa xôi, hẻo lánh được tuyển về trường, nhiều em nhếch nhác, ốm đau; dịch bệnh lại bùng phát, cao điểm có ngày trên 50% HS phải nhập viện. Bệnh viện Hội An phải tổ chức các phòng điều trị nội trú tại Trường. Tình hình đó, cùng với những khó khăn về kinh phí, về phương tiện phục vụ; đời sống CBGV và HS phải chật vật trong “cơn bão giá - lương - tiền”, làm cho một trường chuyên biệt trong buổi đầu “chập chững” đã khó khăn, càng khó khăn hơn. Trong dòng hồi tưởng ấy, Hiệu trưởng của Trường, thầy Trần Minh Hiệu tâm sự: “Đã có lúc ngay cả các đồng chí lãnh đạo Ngành cũng không dám tin vào sự tồn tại, phát triển của Trường”. Nhưng rồi bằng tình thương và trách nhiệm đối với đồng bào, trước sứ mệnh về sự phát triển văn hóa, GD của tỉnh; sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo và quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành; tập thể nhà trường đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức. Những bài học đầu tiên mà các thầy cô giáo dạy cho HS không phải là dạy chữ mà là dạy về cách giao tiếp, ứng xử, cách ăn ở vệ sinh, hành vi, đạo đức, lối sống…Từ một trường PTDTNT cấp 2,3 với khoảng trên 200 HS, sau ngày tái lập tỉnh Quảng Nam - năm 1997 đến nay, Trường tuyển sinh và giảng dạy cấp THPT, ổn định quy mô hàng năm 450 HS các dân tộc. Năm học 2010-2011, Trường có 15 lớp, 450 HS, gồm 10 dân tộc, trong đó chủ yếu là 4 dân tộc định cư lâu đời ở miền Tây Quảng Nam là Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng và Cor. Ngoài việc triển khai thực hiện tốt chương trình-SGK, đổi mới PP dạy học, nhà trường còn tiến hành nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với HS, chú trọng cả chất lượng đại trà và mũi nhọn; tăng thời lượng ôn tập, củng cố kiến thức cho HS cả trong năm học và trong hè; tổ chức tốt tự học cho HS nội trú, v.v…và đã từng bước mang lại kết quả tốt đẹp. Nhà trường đã đưa ra những số liệu thống kê hết sức cụ thể để chứng minh về sự nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học: Nếu như năm học đầu tiên 1985-1986, tỷ lệ văn hóa trung bình trở lên chỉ đạt 61%, thì đến năm học 2009-2010, có đến 94,28% HS tốt nghiệp THPT, cao hơn mặt bằng chung của các trường PTDTNT cả nước. Trong 25 năm qua, có 1584 HS tốt nghiệp THPT, tỷ lệ TN bình quân 91,5%, tương đương mặt bằng chung của tỉnh; nhiều HS đỗ tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi; thi đỗ 2 trường ĐH; có HS đỗ thủ khoa “đầu vào” ĐH, có em được tuyển đi du học nước ngoài. Với thành quả như vậy, nhiều người đã cho rằng, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Quảng Nam đã làm nên điều kỳ diệu mà còn quá ít trường dạy học sinh miền núi làm được.
Hai mươi lăm năm nhìn lại, có thể khẳng định, thành công lớn nhất của nhà trường là xác định được hướng đi đúng: Xuất phát từ một trường chuyên biệt, bám sát mục tiêu tạo nguồn cán bộ cho miền núi để tiến hành các hoạt động giáo dục. Công tác quản lý, tổ chức các hoạt động GD phải phù hợp và gắn với mục tiêu đó. Học sinh của Trường PTDTNT tỉnh Quảng Nam trong thời gian học ở trường luôn được GD, rèn luyện một cách chu đáo, được chuẩn bị về tâm thế để làm cán bộ sau nầy. Lý lẽ mà Hiệu trưởng…viện dẫn cho nguyên lý GD toàn diện theo quan điểm hệ thống nhằm tác động vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, đáp ứng mục tiêu tạo nguồn đào tạo CB các dân tộc đầy sức thuyết phục: “Chất lượng là sự đáp ứng mục tiêu; phải xuất phát từ mục tiêu để lựa chọn nội dung giáo dục với bước đi phù hợp, nhằm đáp ứng mục tiêu tạo nguồn cán bộ cho miền núi. Do đặc điểm đối tượng, Trường PTDTNT tỉnh trong thời gian qua không “chạy đua” với các trường khác về tỷ lệ HS giỏi hay thi đỗ vào đại học. Chất lượng văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm song cần sự kiên trì và lâu dài. Cùng với từng bước nâng chất lượng văn hoá, nhà trường chú trọng các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho học sinh, coi đây là việc làm thường xuyên, đòi hỏi luôn mới và đa dạng, quan tâm việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng mềm cho HS để chuẩn bị hành trang, kinh nghiệm bước đầu cho những cán bộ tương lai của đồng bào các dân tộc”. Bốn trụ cột GD của UNESCO được nhận thức, vận dụng xuyên suốt trong hoạt động giáo dục của nhà trường. Giờ chào cờ hàng tuần, phần lớn thời gian lồng ghép các hoạt động ngoại khóa như thi “MC và giọng hát hay”; thi “Chìa khóa vàng” để bổ trợ Tiếng Việt cho HS; thi Diễn đàn xã hội…Đặc biệt, tháng 12 là tháng cao điểm nhà trường thực hiện tháng “nếp sống quân sự hóa”, mời sỹ quan của Thành đội Hội An tập huấn về tác phong, trật tự nội vụ cho HS. Nhà trường còn tổ chức các cuộc giao lưu, chú trọng các hoạt động tập thể, tạo môi trường cho học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng điều khiển tập thể, bước đầu làm quen với công tác lãnh đạo. Chính quy trình GD bài bản, quy củ, nền nếp của nhà trường đã ảnh hưởng sâu sắc đến tác phong, lối sống, nếp sống của HS. Ấn tượng được rèn luyện của thời kỳ học phổ thông tại Trường đã giúp học sinh, dù tiếp tục đi đào tạo hay về địa phương bồi dưỡng, tham gia công tác đã thích ứng với yêu cầu, nhiều em đã sớm trưởng thành.
Từ hiệu quả GD của Trường, hai mươi năm qua, đã có 1764 HS các dân tộc đã đi vào trường đào tạo hoặc ra công tác, chiếm 84,9% HS ra trường; số HS TNTHPT đã tạo tiếp ở ĐH, CĐ khá cao trong hệ thống trường PTDTNT cả nước; có HS là đảng viên được kết nạp tại Trường, tốt nghiệp THPT loại giỏi, được xét chọn đi du học ĐH và đang đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài, có HS đỗ thủ khoa “đầu vào” ĐH. Kết quả ấy thật là đặc biệt với một trường PTDTNT tuyển sinh bằng cử tuyển và xét tuyển ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Hiện tại, đã có 1234 HS đã trở thành bác sỹ, kỹ sư, GV, CB trẻ tham gia công tác tại các địa phương, trong đó nhiều người giữ các cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở miền núi; hiện còn 530 em đang theo học tại các trường đào tạo, trong đó có 461 em là SV tại 49 trường ĐH, CĐ trong nước hoặc đang học sau ĐH ở nước ngoài. Nhiều em hiện là SV khá, giỏi; là Bí thư, cấp ủy chi bộ SV, cán bộ đoàn, CB lớp năng nổ tại các trường ĐH. Trong những năm đến, số HS này ra trường sẽ tiếp tục bổ sung đội ngũ trí thức, cán bộ trẻ DT thiểu số cho địa phương miền núi. Đây có lẽ là một thành quả đáng kể, là sự đóng góp có ý nghĩa nhất của nhà trường đối với miền núi và xã hội.
Kỷ niệm 25 ngày thành lập Trường vào thời điểm những ngày kết thúc năm 2010, chuẩn bị bước sang một thập niên mới, nhiều thế hệ HS của Trường PTDTNT Quảng Nam tụ họp trong niềm vui, xúc động trước những đổi thay kỳ diệu ở mái nhà chung của mình. Chúng tôi cũng bắt gặp niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt các thầy cô giáo của Trường, khi chứng kiến bầy chim non ngày nào giờ đã đủ lông, đủ cánh, bay đến mọi miền của quê hương, đất nước. Họ là những người thật sự giàu có về tình cảm. Tương lai của một nền giáo dục đang xóa dần khoảng cách biệt giữa đồng bằng và miền núi phụ thuộc nhiều vào những người thầy như vậy…
PV
Nguồn: Theo Báo Giáo dục và Thời đại