|
Tìm hiểu thông tin trong ngày hội hướng nghiệp. Ảnh: gdtd.vn |
Ngành Tài chính- ngân hàng
Đây là ngành mấy năm gần đây có số thí sinh dự tuyển đông nên điểm đầu vào rất cao, có thể lên tới 24-26 điểm. Một số trường uy tín như Ngoại thương, ĐH Kinh tế (ĐHQGHN), Học viện Ngân hàng, Học viện tài chính, ĐH Kinh tế- ĐHQGHN điểm chuẩn dao động từ 24 -26 điểm. Các trường thấp hơn một chút như Thương mại, DHDL Phương Đông,... điểm chuẩn trên dưới 20 điểm.
Học ngành này, sinh viên được trang bị những kỹ năng xử lý các nghiệp vụ, kỹ năng phân tích và xử lý tình huống, kỹ năng lãnh đạo và các giá trị đạo đức nghề nghiệp từ đó nâng cao khả năng thành công trong môi trường làm việc hiện đại. Sinh viên sẽ có kỹ năng phân tích, đánh giá, dự báo các vấn đề tài chính ngân hàng, đồng thời có các kỹ năng tác nghiệp hiệu quả trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng trong nền kinh tế thị trường.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách tại các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo và các viện nghiên cứu, hoặc trực tiếp tác nghiệp tại các doanh nghiệp, các định chế tài chính ngân hàng và phi ngân hàng, nhất là trong lĩnh vực mới ở Việt Nam hiện nay như công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư...
Ngành hóa dược
Đây là ngành hiện khá “hot” và thường có điểm đầu vào tương đối cao. Năm 2010, điểm chuẩn ngành này dao động từ 17-23,5 điểm (ĐH Dược Hà Nội: 23,5 điểm; ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia Hà Nội): 18 điểm; ĐH Bách Khoa Bách Khoa Hà Nội: 17 điểm; ĐH Cần Thơ: 19 điểm...)
Lĩnh vực Dược có hai nhánh. Một nhánh đào tạo cán bộ nghiên cứu, chế tạo các hợp chất sinh học để làm thuốc (gọi là kỹ sư hoặc cử nhân Hóa dược); nhánh còn lại đào tạo Dược sỹ, bào chế, hướng dẫn sử dụng thuốc. Ngành Hoá dược, dù đào tạo ở trường nào, cũng phải có kiến thức chung như nhau, chỉ khác nhau về tỷ lệ giữa các khối kiến thức cơ bản và kỹ thuật cụ thể.
Theo công bố chuẩn đầu ra của các trường, sinh viên tốt nghiệp ngành này có đủ khả năng đảm nhận các công việc phù hợp với chuyên môn tại bất kỳ nơi nào ở trong và ngoài nước; giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, THPT; hay làm việc tại các viện nghiên cứu, các công ty, nhà máy xí nghiệp dược phẩm, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh sử dụng kiến thức hoá học, hoặc có thể được đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở trong và ngoài nước.
Ngành thủy văn học
Đây là ngành có chuẩn đầu vào khá dễ chịu, khoảng từ 14,5 - 17 điểm; cơ hội xin việc sau khi ra trường rộng mở nhưng không được nhiều thí sinh quan tâm. Các trường đào tạo ngành Thủy văn học gồm: ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia Hà Nội), ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Thủy Lợi...
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ năng lực của một cử nhân ngành thủy văn, có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các trung tâm và sở khoa học và công nghệ các tỉnh trong cả nước; làm việc tại các trạm thuỷ văn, trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh thành phố, các đài khí tượng thủy văn khu vực; ban phòng chống lụt bão các tỉnh thành, cơ quan khác như sở nông nghiệp phát triển nông thôn, công ty tư vấn thiết kế điện 1, 2, 3 hoặc các nhà máy thủy điện…Sinh viên cũng có thể tìm việc làm tại các viện nghiên cứu của Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia; các viện, trung tâm nghiên cứu và các đài, trạm của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Dầu khí …
Ngành công nghệ hạt nhân
ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt...là trường có đào tạo ngành Công nghệ hạt nhân. Dù các trường chỉ tuyển khoảng 30 - 40 chỉ tiêu mỗi khóa đào tạo nhưng điểm đầu vào ngành này cũng không quá cao. Năm 2010, điểm chuẩn ngành này dao động khoảng từ 16 - 17 điểm. Đây cũng là ngành cơ hội làm việc rộng mở sau khi ra trường.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế quốc dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học quốc gia như Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Viện Công nghệ Quốc gia, các trường ĐH, CĐ, các công ty nhà nước hoặc tư nhân theo hướng phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, trong ngành Năng lượng hạt nhân... Nếu tốt nghiệp loại giỏi có thể được giữ lại trường đại học làm cán bộ giảng dạy ngay sau khi tốt nghiệp hoặc tiếp tục học các bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ.
Ngành công nghệ thông tin
Điểm chuẩn cũng dao động từ 13 - 23 điểm. Các trường có đào tạo là ĐH Bách Khoa Hà nội, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc Gia Hà Nội), Học viện Công nghệ Bưa chính Viễn thông, ĐH Thái Nguyên...
Thường bậc học ĐH CNTT được chia làm 5 chuyên ngành. Chuyên ngành Khoa học máy tính thiên về các lý thuyết cơ bản của ngành CNTT; chuyên ngành Kỹ nghệ máy tính thiên về đào tạo lý thuyết và ứng dụng liên quan đến thiết kế và sản xuất phần cứng máy tính; Kỹ nghệ phần mềm thiên về lý thuyết và ứng dụng các công nghệ sản xuất phần mềm, quy trình, công cụ, ngôn ngữ lập trình; Hệ thống thông tin: lý thuyết và ứng dụng CNTT trong việc quản lý hệ thống thông tin của doanh nghiệp, tổ chức; Ứng dụng CNTT: ứng dụng và triển khai CNTT trong các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Lĩnh vực truyền thông, an ninh mạng, xử lý dữ liệu số; sửa chữa máy tính, lắp đặt mạng, thiết kế đồ họa, cài đặt phần mềm….Sinh viên có thể đi theo hướng khoa học là nghiên cứu sâu về những thuật toán nhằm tối ưu hóa chúng, nghiên cứu và phát triển về trí thông minh nhân tạo, về “thị giác” máy tính, về khả năng nhận dạng ngôn ngữ…
Tiếng Anh thương mại
Hiện nay, những trường có đào tạo Tiếng Anh Thương mại gồm ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Tài chính Marketing TPHCM, Ngân hàng TPHCM... Năm 2010, điểm trúng tuyển ngành học này dao động từ 17 - 29 điểm.
Sinh viên ra trường có thể là biên - phiên dịch viên Tiếng Anh chuyên ngành (Thương mại, Kinh tế, Quản trị, Tài chính, Ngân hàng...) tại các công ty; Nhân viên các bộ phận chức năng như kinh doanh, truyền thông, dịch vụ, dự án, marketing... thuộc các doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng Tiếng Anh; giáo viên Tiếng Anh chuyên ngành tại các trường dạy nghề, CĐ, ĐH thuộc khối kinh tế; Nghiệp vụ bán hàng, xúc tiến thương mại quốc tế; đầu tư quốc tế; phát triển thị trường và chăm sóc khách hàng; phát triển hệ thống phân phối; marketing, PR...
Ngành quản trị kinh doanh
Đây là ngành cũng được nhiều thí sinh ưa chuộng. Điểm đầu vào ngành này cũng dao động lớn, từ bằng điểm sàn đến 23 điểm tùy từng trường. Ngành này được đào tạo ở hầu hết các trường ĐH, CĐ kinh tế, tài chính.
Sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh có thể làm việc trong hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc mọi lĩnh vực trong nước và quốc tế, các tổ chức nghiên cứu và quản lý kinh doanh, các tổ chức xã hội và phi chính phủ.
Sinh viên Quản trị kinh doanh đạt trình độ quốc tế (trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN) ra trường có thể làm Giám đốc điều hành, giám đốc bộ phận; Trưởng bộ phận hoặc chuyên viên về hoạch định kế hoạch quản trị chiến lược, phát triển thị trường, quản trị dự án, quản trị nhân sự, giám sát sản xuất, marketing - PT - Event, và quản trị kênh phân phối của doanh nghiệp...
Ngành kinh tế đối ngoại
Đây là một trong những ngành có điểm chuẩn rất cao. Năm 2010, điểm chuẩn ngành này giao động từ 22,5 đến 26 điểm. Các trường đào tạo ngành học này gồm ĐH Ngoại thương, ĐH Ngoại Thương cơ sở TPHCM, ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQuốc gia TPHCM), ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội...)...
Học ngành Kinh tế đối ngoại, sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu về thương mại quốc tế, quản lý thị trường ngoại hối và đầu tư quốc tế; có khả năng phân tích và đánh giá hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu, sự biến động của tỷ giá hối đoái và đầu tư quốc tế; Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách thương mại và dự án đầu tư trong, ngoài nước... Sinh viên cũng được trang bị các kỹ năng phân tích, đánh giá những vấn đề lý luận cơ bản trong lĩnh vực Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế; Kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá và xử lý các vấn đề thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, khu vực và thế giới; các kỹ năng nghiệp vụ: đàm phán quốc tế, giao dịch thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, tài chính quốc tế, vận tải bảo hiểm trong thương mại quốc tế, xây dựng, phân tích quản trị dự án…; các kỹ năng mềm: tin học, ngoại ngữ, giao tiếp, lãnh đạo và quản lý, trình bày và kỹ năng làm việc nhóm, trong đó, kỹ năng ngoại ngữ đạt chuẩn chất lượng 4.0 IELTS.
Sinh viên sau khi ra trường có thể trở thành cán bộ hoạch định chính sách hoặc cán bộ làm việc tại bộ phận Kinh tế Đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương; trở thành cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo ĐH, Viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực Kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế; cán bộ nghiên cứu, tư vấn tại các Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước trong lĩnh vực Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế; cán bộ quản lý, chuyên viên tại các doanh nghiệp (trong và ngoài nước) có liên quan đến các yếu tố quốc tế như xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư quốc tế, kinh doanh quốc tế…